Cocoon | 01.10.21 | 26 phút đọc

Ngành công nghiệp làm đẹp đã tác động thế nào lên động vật vô tội?

By Hồng Hoa


Ngành công nghiệp làm đẹp với vẻ ngoài mỹ miều ẩn chứa nhiều sự thật vô nhân đạo. Nhất là đối với các quy trình sản xuất mỹ phẩm dựa trên nguyên liệu có nguồn gốc từ động vật. Sáp ong, mỡ lông cừu, gan cá mập, collagen từ da cá, lông chồn… là những thành phần quen thuộc trong ngành này. Trước khi trở thành sản phẩm xinh xắn trên tay bạn, động vật đã phải trải qua những cuộc tra tấn về thể xác lẫn tinh thần. Dù chưa từng chứng kiến, chúng tôi nghĩ rằng bạn có quyền biết về mặt trái của những sản phẩm mang ý nghĩa “làm đẹp cho con người” này.


Mỡ lông cừu: Từ thời cổ đại, giới quý tộc Ai Cập và phương Tây đã biết tách mỡ khi khai thác lông cừu để chăm sóc da. Thế nhưng, bạn có biết bầy cừu được nuôi lấy lông đã phải trải qua những gì trong suốt cuộc đời ngắn ngủi của nó? Những chú cừu trong trang trại phải trải qua hai lần cắt xẻo đau đớn: bị thiến và bị cắt bỏ đuôi. Để đảm bảo chất thải của con vật không làm ảnh hưởng đến bộ lông (thứ duy nhất mà những chủ trang trại quan tâm) họ đã treo cừu lên, cắt bỏ phần da gần hậu môn mà hoàn toàn không sử dụng thuốc tê. Nhiều con cừu đã chết vì không chịu nổi đau đớn, hoặc không đủ sức khoẻ vì thiếu dinh dưỡng trong quá trình nuôi nhốt.


Gan cá mập: Gan cá mập chứa một loại dầu đặc biệt, được gọi là squalene. Một báo cáo của nhóm bảo tồn động vật BLOOM tại Paris cho biết, có đến 90% lượng squalene từ gan cá mập được tiêu thụ bởi ngành công nghiệp mỹ phẩm. Để có được nguồn nguyên liệu được cho là dồi dào dưỡng chất này, hàng loạt cá mập bị khai thác trái phép, lấy nội tạng và tách dầu. Sau đó, xác của chúng sẽ được “trả lại” tự nhiên dưới dạng chất thải. 


Sáp ong: sáp ong là một phần của tổ ong - nơi được xem là “căn nhà chung” của chúng. Để đuổi đàn ong ra khỏi tổ nhằm khai thác sáp ong, con ngườI sử dụng nhiều cách khác nhau như phun khói, dùng mùi hương mà ong ghét (mùi cherry)... hay thậm chí là cho thẳng vào máy tách sáp và mặc kệ những con vật tội nghiệp sắp bị nghiền nát, dù đang ở trong chính căn nhà của mình.


Collagen từ da cá: Tương tự với cách tách dầu từ gan cá mập, collagen có trong da của các loài cá cũng được khai thác sau khi giết chết con vật. Điều đó chắc chắn khiến nó phải chịu đau đớn trước khi bị tước đi cuộc đời của mình.


Lông chồn: Cọ makeup, mi giả là hai trong số nhiều công cụ làm đẹp quen thuộc làm từ lông chồn. Nhưng ít ai biết rằng, để tạo ra những sản phẩm như vậy, chủ nhân thật sự của bộ lông mềm mại kia đã phải trải qua điều gì. Thực tế, chồn không phải là động vật có thể nuôi nhốt. Chúng cần được sống tự do trong môi trường tự nhiên vì bản chất thích bảo vệ lãnh thổ, sợ người và cực kỳ hung dữ khi hoảng sợ. Mặc dù nhiều cơ sở nuôi nhốt chồn lấy lông đã lên tiếng bao biện rằng lông mà họ cung cấp cho thị trường là lông bỏ đi sau khi chải, chúng ta vẫn không thể cho rằng đây là điều đúng đắn. Tổ chức bảo vệ động vật PETA cho biết, chồn hoàn toàn không cảm thấy thoải mái khi chải lông. Chồn được nuôi tại các trang trại cũng không được ăn uống và chăm sóc sức khoẻ đầy đủ, cộng thêm việc tra tấn dã man như lột da sống để đảm bảo chất lượng bộ lông, giật điện, bẻ cổ, nhét khí gas đến chết để khai thác lông.


Bọ xương rồng: Loài xương rồng xứ Mexico nuôi dưỡng một loài côn trùng đặc biệt, gọi là rệp son. Người ta khai thác rệp son để làm nguyên liệu sản xuất son môi, nhờ sắc đỏ đặc biệt có trong cơ thể nó. Sau khi thu hoạch, rệp son được ngâm trong nước sôi, sau đó là phơi khô và tán mịn thành bột màu đỏ thẫm.


Phó chủ tịch cấp cao của PETA, Jason Baker đã từng chia sẻ:"Mọi người mua hàng nên biết rằng đằng sau những sản phẩm họ mua như áo lông thú, vòng cổ là một cái lồng bẩn thỉu cùng tiếng thét chói tai của những con vật đáng thương bị hành hạ và giết hại dã man". Vì tất cả những điều trên, sử dụng mỹ phẩm sản xuất từ các nguyên liệu có nguồn gốc từ động vật được xem là hành động man rợ và vô nhân đạo. Động vật không chỉ bị giết chết, chúng còn phải trải qua quá trình nuôi nhốt, cưỡng bức bằng bạo lực, tra tấn dã man trong suốt cuộc đời. Vậy tại sao chúng ta vẫn tiếp tục tiếp tay cho hành động tàn ác này, khi mà tất cả những thứ mà con người cần ở động vật có thể được thay thế bằng cách tự trồng trọt?


Giống như những gì Cocoon đã và đang làm, chúng tôi không bao giờ sử dụng thành phần có nguồn gốc từ động trong công thức mỹ phẩm. Bằng cách nghiên cứu thực vật đặc hữu Việt Nam, Cocoon đã tìm ra nguồn dưỡng chất dồi dào, mang chúng vào những sản phẩm lành tính và hiệu quả. Một số thành phần quen thuộc mà Cocoon sử dụng có thể kể đến như: dầu dừa, bơ cacao, bơ hạt mỡ, sáp ong tổng hợp (từ dầu cọ)... Không cần trích chất dinh dưỡng từ động vật vô tội, chúng tôi vẫn sẽ tìm mọi cách để làn da của bạn được chăm sóc kỹ lưỡng bởi các sản phẩm của Cocoon.